Đảo Lý Sơn không những có phong cảnh đẹp mà còn có rất nhiều di tích lịch sử mang đậm dấu ấn ngư dân vùng biển và di tích đầu tiên được kể đến…
DI TÍCH ÂM LINH TỰ VÀ MỘ LÍNH ĐỘI HOÀNG SA Ở LÝ SƠN
(QNĐT)- Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa là những di tích nằm trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn, cách cảng biển Sa Kỳ 15 hải lý, về phía đông bắc. Những di tích này liên quan đến các đội Hoàng Sa, Bắc Hải thành lập từ thời các chúa Nguyễn để làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên biển, đặc biệt là các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Âm linh tự làng An Hải, một công trình thờ tự đặc biệt
Âm linh tự (nghĩa tự, miếu âm hồn, miếu âm nhơn, am chúng sinh…) là một công trình thờ tự thường gặp ở các làng, xã, xóm, ấp trên khắp đất nước Việt Nam.
Đây là nơi thờ cúng vong hồn những người chết đi nhưng vì nhiều lý do không có ai thừa nhận hoặc không ai biết đến. Họ có thể là một kẻ vô gia cư, không họ hàng thân thích. Cũng có thể họ có gia đình, còn bà con, thân tộc nhưng trên bước đường lưu lạc mưu sinh thình lình gặp tai ương bất trắc hay tật bệnh bất ngờ rồi lìa đời ở một nơi nào đó mà thân nhân chẳng được báo tin, vô tình trở thành những âm linh cô độc…
Âm linh tự làng An Hải |
Thờ cúng ở Âm linh tự còn có những linh hồn là chiến sỹ trận vong, vì bối cảnh ác liệt của chiến trường nhiều khi xác thân không còn tìm được.
Người xưa gọi chung những đồng loại rơi và tình cảnh như vậy là “thập loại chúng sinh” và dành cho họ mối thương cảm mang đậm tình người. Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã từng viết bài “Văn tế thập loại chúng sinh” (Văn Chiêu hồn), lưu truyền rộng rãi trong dân gian, thể hiện sự đồng cảm sâu xa giữa những người đang sống với các cô hồn bạc phận.
Trong khi kiến lập đình, chùa để thờ Phật, Thánh, Thần mong cầu duyên, trợ phúc, người xưa cũng không quên dựng miếu vọng, nhang khói cho những cô hồn vất vưỏng còn chưa hóa kiếp, gọi là miếu âm hồn. Cũng có nơi cô hồn thờ chung trong nội thất đình làng, miếu bà tại một gian riêng. Nếu thờ ở ngoài sân thì bàn thờ âm linh được trí ở mặt sau bình phong, hướng đối diện với chính điện đình miếu.
Ngoài ra, nơi cửa Phật, bàn thờ cô hồn cũng được thiết riêng ở hiên phải của chùa, nơi đặt tượng Tiêu Diện Đại sỹ (dân gian gọi là Ông Tiêu), theo thuyết nhà Phật là một hoá thân của Bồ tát Quán Thế Âm làm nhiệm vụ chưởng quản, cứu độ cô hồn. Trong các buổi công phu kinh chiều, nhà chùa đều có cúng thí thực tại gian thờ này với ý nghĩa ban lộc cho những vong linh không người chăm sóc, thiếu vắng khói hương.
Theo quan niệm “Sinh hà, tử thị” (sống sao, chết vậy), trong các ngày lễ tết, cúng giỗ tại đình chùa, miếu tự cũng như ở tư gia đều có mâm cúng cô hồn để an ủi chia sẻ nỗi cô đơn của người bất hạnh.
Ở nhiều tỉnh ven biển miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi, hằng năm đến tiết Thanh minh (khoảng tháng 3 âm lịch) người dân tảo mộ và cúng tế các vong linh cô hồn ở các âm linh tự, nghĩa tự, gọi là cúng Thanh minh. Đây là nét khác biệt với cư dân Bắc Bộ, vì ngoài việc cúng cô hồn, cư dân ven biển miền Trung không có tục tảo mộ tổ tiên và ăn tết Thanh minh vào dịp này.
Âm linh tự làng An Vĩnh xây dựng tại một giồng đất cao, thoáng đãng ở thôn Tây xã An Vĩnh, cách cảng Lý Sơn chừng 500m về phía tây. Mặt tiền Âm linh tự nhìn ra hướng nam, trước sân có đài tưởng niệm chiến sỹ trận vong uy nghi bề thế.
Không giống với nhiều âm linh tự, nghĩa tự, miếu cô hồn ở những nơi khác, kể cả nghĩa tự làng An Hải trên cùng huyện đảo, Âm linh tự làng An Hải có mái che, các gian thờ bài trí quy củ, hàng năm tại đây diễn ra khá nhiều nghi lễ long trọng, có sự tham gia của đông đảo dân làng. Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý liên quan đến các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, kể cả những tư liệu là của riêng các gia đình, gia tộc được người dân tin tưởng đem lưu gởi.
Theo lời kể của các bậc cao niên, khoảng đầu thế kỷ XIX, hai làng An Vĩnh và An Hải (nay là xã An Vĩnh và xã An Hải) đã có đình làng và nghĩa tự. Tuy nhiên, đến khoảng thập kỷ 50 của thế kỷ trước, đình làng An Vĩnh bị hư hại, dân làng rước các linh vị thờ thần hoàng, các vị tiền hiền về thờ ở Âm linh tự. Vì vậy, trong hơn nửa thế kỷ, Âm linh tự làng An Hải là nơi sinh hoạt tâm linh, lễ hội dân gian tập trung của cộng đồng cư dân sở tại.
Đặc biệt, vào tiết Thanh minh hằng năm bà con các dòng tộc làng An Hải tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại Âm linh tự, một nghi lễ đặc biệt nhằm tưởng vọng và tri ân nghĩa liệt sỹ của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải cùng các dân binh, tráng đinh đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, trú phòng trên các quần đảo, chống trả quân cướp biển để bảo vệ tàu thuyền, ngư dân cùng sự yên lành của làng quê đất đảo.
Sử cũ chép rằng, dưới thời chúa Nguyễn và tiếp sau đó là triều đại nhà Nguyễn, nhà nước phong kiến Việt Nam đã cho thành lập các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, giong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa và Bắc Hải (Trường Sa) để thu lượm hải vật, sản vật, đo đạt hải trình, cắm mốc và dựng bia minh định chủ quyền đối với các quần đảo này.
Tài liệu, bản đồ, các trang ghi chép của những nhà truyền giáo, nhà buôn, các sỹ quan hải quân và các nhà thám hiểm phương Tây cũng góp phần chứng minh sự hiện diện khá thường xuyên của các lực lượng dân sự và quân sự người Việt tuần phòng trên vùng biển tiếp giáp hoặc cập thuyền đồn trú trên quần đảo Paracels (Hoàng Sa).
Với những người lính làm nhiệm vụ tuần phòng trên đảo Hoàng Sa, ròng rã 6 tháng ròng lênh đênh sóng nước cùng những chiếc thuyền câu (điếu thuyền, tiểu điếu thuyền, di chuyển nhanh, dễ xoay trở trên những vùng biển nhiều rạn san hô), thường xuyên đối mặt với sóng cả, gió to, thì cái chết, dù bất cứ nguyên nhân nào, cũng đồng nghĩa với việc lấy lòng biển bao la làm nơi mai táng hình hài.
Trong hành trang chuẩn bị cho chuyến hải trình dài ngày đến Hoàng Sa, Trường Sa, ngoài những vật dụng thiết yếu dùng cho người đi biển, mỗi thuỷ thủ can trường của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải còn tự mình chuẩn bị 1đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài khắc tên họ, quê quán, phiên hiệu.
Nếu không may người thuỷ thủ qua đời thì những đồng đội trên thuyền sẽ bó thi hài người xấu số cùng với chiếc thẻ khắc tên vào trong manh chiếu, nẹp dọc 7 thanh tre rồi buộc chặt lại bằng 7 sợi dây mây. Sau một vài nghi thức đưa tiễn giản đơn, thi hài sẽ được đem thả xuống biển.
Đài tưởng niệm Chiến sĩ trận vong trước sân Âm linh tự |
Những người còn sống gởi lên cao xanh lời cầu nguyện mong manh rằng xác thân người bạn thuyền xấu số của họ sẽ trôi dạt vào bờ biển, và nếu may mắn có ai đó vớt được nắm xương tàn thì nhờ chiếc thẻ mà biết tên họ quê quán của con người đã vị quốc vong thân.
Nguyện cầu là vậy nhưng chẳng có mấy khi xác người xấu số trôi dạt được vào trong mé biển. Đó là chưa kể lắm khi cả thuyền hoặc cả hải đội bị bão tố đánh chìm… Cho đến nay người dân Lý Sơn còn truyền tụng nhiều câu ca nói về những hiểm nguy, gian khổ mà người lính Hoàng Sa, Trường Sa phải chịu đựng trong khi thi hành nhiệm vụ:
-Trường Sa đi có về không
Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi
-Hoàng Sa lắm đảo, nhiều cồn
Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây
-Hoàng Sa trời bể mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa
Âm linh tự cũng là nơi ngư dân trước khi ra biển “đi nghề”, hoặc tha phương hành nghiệp đến cầu xin thần thánh và linh hồn cõi khuất phù hộ độ trì để được bình an, được mùa, làm ăn thành đạt. Trở về bình yên sau mỗi chuyến đi biển (đối với ngư dân) hoặc về thăm quê nhà (đối với người sống tha phương) họ cũng mang lễ vật đến đây để làm lễ tạ ơn. Ngoài đóng góp của các dòng tộc và dân làng, cơ ngơi khang trang của Âm linh tự cũng như lễ vật trong các dịp tế lễ có sự đóng góp thành tâm của những người làm nghề biển được mùa hoặc của những người Lý Sơn tha hương thành đạt. Âu cũng là một phong tục đẹp, sâu nặng ân tình, thuỷ chung gắn bó với quê đảo yêu thương.
Từ năm 2010, khi đình làng An Hải được phụng dựng, linh vị thần hoàng, các vị tiền hiền và tử sĩ Hoàng Sa, Bắc Hải được rước về thờ tự ở đình làng. Tuy vậy, vong linh những người lính Hoàng Sa, Bắc Hải vẫn còn được thờ vọng tại Âm linh tự và người dân thường xuyên đến dâng hương hành lễ.
Mộ lính Đội Hoàng Sa –dấu tích tâm linh về những người đi giữ biển.
Trên huyện đảo Lý Sơn cũng như ở nhiều vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi và cả nước có rất nhiều ngôi mộ mà bên trong lòng mộ không có thi hài người quá cố, dân gian gọi là mộ gió.
Mộ gió Chánh đội trưởng Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật |
Để có ngôi mộ gió cho người bạc mệnh, gia đình phải nhờ đến sự trợ giúp của một pháp sư. Sau xin cúng bái xin phép tổ sư, thầy pháp lên miệng núi lửa trên đảo lấy đất sét đem về, nhào với nước và bông gòn rồi nắn thành hình nhân theo sự mô tả nhân dạng của thân nhân, có kích thước tương tự thân thể người đã khuất.
Cành dâu được chẻ đôi, xếp vào bụng làm xương sườn, đàn ông có 7 nhánh xương, đàn bà thì 9 nhánh. Lại dùng sợi tơ tằm hoặc sợi vỏ cây dâu làm những sợi gân. Các lóng xương sống, xương tay chân đều được làm bằng thân cây dâu.
Hình nhân có đủ lục phủ ngũ tạng, kể cả bộ phận sinh dục. Thầy pháp phải nặn bằng hết số đất sét mang về, không bỏ sót chút nào vì người ta tin rằng số đất này tượng trưng cho da thịt của người chết, để sót lại sẽ làm đau như thể da thịt của họ bị mất mát.
Xong phần nặn hình, thầy pháp dùng lòng đỏ trứng gà phết khắp hình nhân để khi khô đi, lớp lòng trứng trông giống như da người. Tiếp theo đó, người thân mặc quần áo và đồ liệm cho hình nhân, đặt linh vị trên mặt, rồi đưa vào quan tài. Một cỗ thuyền cúng với những mâm lễ vật, vàng bạc và lương thực được đưa xuống biển để dâng lên các vị thần và cúng linh hồn người chết.
Khi các nghi lễ chiêu hồn đã xong, mọi người tin rằng linh hồn người chết đã trở về nhập vào hình nhân. Bà con, dòng họ đặt quan tài xuống huyệt và lấp đất, đắp mồ. Trường hợp không biết ngày mất, người thân sẽ lấy ngày người quá cố ra khơi để làm ngày giỗ, thắp hương tảo mộ như những ngôi mộ bình thường. Nhiều nấm mộ gió được chôn từ hàng trăm năm trước, vì lý do nào đó khi đào lên cải táng, người ta thấy các hình nhân vẫn còn nguyên vẹn.
![]() |
Linh vị Chánh đội trưởng Hoàng Sa Phạm Văn Biện |
Tương truyền, tục đắp mộ gió của người dân trên đảo bắt đầu cách đây hơn 2 thế kỷ và những ngôi mộ gió đầu tiên là của Cai đội Phạm Quang Ảnh cùng với 24 người lính của hải đội Hoàng Sa do ông chỉ huy. Trong một lần giong buồm ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ, Phạm Quang Ảnh cùng hải đội của mình đã gặp bão, mất tích giữa biển khơi.
Xót thương những con người vì nước quên thân, triều đình sai phái quan quân ra tận đảo làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Một vị pháp sư nổi tiếng cũng phụng mệnh theo đoàn người ấy. Ra đến đảo, ông sai người lên núi Giếng Tiền lấy đất sét đem về, rồi tự mình nhào nặn khối đất thành hình nhân 25 người đã chết. Cứ theo lời kể của thân nhân vị pháp sư nặn tượng hình người quá cố, đến khi nào người thân bảo rằng đã giống người chết mới thôi.
Nặn xong 25 tượng đất của 25 người lính, pháp sư lập đàn cúng chiêu hồn ròng rã suốt nhiều ngày đêm, gọi linh hồn các tử sĩ nhập vào tượng rồi sai dân làng đưa đi an táng như người chết bình thường. Cai đội Phạm Quang Ảnh được chôn đầu tiên, sau đó là 24 người lính, xếp thành một hàng gồm 25 nấm mộ.
Trong số những tên tuổi khắc trên bia mộ gió ở Lý Sơn, ngoài Phạm Quang Ảnh, còn có những con người đã được chính sử triều Nguyễn trân trọng ghi danh với chức vụ là Cai đội, Chánh đội Hoàng Sa, như các ông Võ Văn Khiết, Phạm Hữu Nhật… Tuy nhiên rất nhiều ngôi mộ ở đó lại không còn tên tuổi. Họ thực sự là những nghĩa liệt sỹ hy sinh vì nước mà không màng đến việc lưu danh trong sử sách.
Từ bao đời nay, mộ gió của những người lính Hoàng Sa suốt dặm dài lịch sử vẫn được người dân đất đảo hương khói, chăm nom để tỏ lòng tri ân các bậc tiền nhân giữ cõi, bỏ mình trên khói sóng phong ba.
Âm linh tự và mộ lính đội Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hoá quốc gia, theo Quyết định số 41/2007/QĐ-VHTT ngày 3/8/2007.
DI TÍCH LỊCH SỬ CHÙA ĐỤC TRÊN ĐẢO LÝ SƠN
Đến với tour du lịch đảo Lý Sơn, một trong những điểm du lịch nổi tiếng nước ta với cảnh quan thiên nhiên đẹp thơ mộng của biển cả và những món ăn đặc sản hấp dẫn thì trong hành trình khám phá hòn đảo xinh đẹp này di tích lịch sử chùa Đục trên đảo Lý Sơn là một trong những điểm mang không gian bình yên được du khách yêu thích, trở thành điểm du lịch nổi tiếng của đảo với không gian thiêng liêng.
Hiện nay, Di tích chùa Đục nằm tọa lach ở chân núi Giếng Tiền, thuộc thôn Tây, xã An Vĩnh. Đây là một di tích thắng cảnh tại đảo Lý Sơn, nằm ở một vị trí có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, và vẫn còn mang nhiều nét hoang sơ, rất đẹp và rất nên thơ, vì vậy chùa Đục là một nơi lý tưởng cho các Phật tử đến tham quan chiêm bái khi có dịp đặt chân đến đảo Lý Sơn.
Đường từ chân núi lên chùa Đục ở đảo Lý Sơn đã được xây dựng với 139 bậc đá, hai bên có lan can sơn màu trắng và hai bên đường đi còn nhiều cây dứa cổ và cây dương tỏa bóng xanh mát tạo nên con đường đẹp, và hấp dẫn khi bước lên chùa.
Trước ngôi chùa Đục là tượng Bồ- tát Quan Thế Âm, một tay bắt ấn, một tay cầm bình nước cam lồ nhìn ra biển cả mênh mông, với ý nghĩa che chở cho người dân nơi đây ngày đêm trên biển và bảo vệ họ trước những cơn bão của biển cả để tạo sự bình an mỗi khi ra khơi. Bức tượng có chiều cao 25m, ngự trên tòa sen trắng, dưới chân tượng là án thờ; xung quanh án thờ có hình bốn con rồng đang giỡn nước. Tượng đứng giữa một khuôn viên hình ngũ giác, xung quanh khuôn viên là lan can màu trắng, nền lát gạch rất khang trang, sạch sẽ và bắt đầu từ dây du khách có thể tiếp tục dạo bước là có thể tới di tích lịch sử chùa Đục.
Khi lên tới điểm du lịch nổi tiếng đảo Lý Sơn- chùa Đục, từ bên ngoài, du khách sẽ tổng thể ngôi chùa uy nghiêm và được hình thành nởi ba động đấ lớn nhỏ khác nhau. Động thứ nhất có không gian rộng và khá cao, bên trong thờ Phật tổ Như Lai, phía bên trái thờ Địa Tạng Bồ-tát, phía bên phải thờ vị tổ khai sơn. Đồng thứ hai ở phía Đông bên trong cũng có đặt bàn thờ Tam thế Phật. và động nhỏ nhất nằm ở phía Tây được gọi là động Viên Giác, đây chính là nơi các nhà sư tọa thiền.
Đến với chùa Đục, một trong những điểm du lịch hấp dẫn đảo Lý Sơn, du khách được thưởng ngoạn những cảnh vật thiên nhiên kỳ vĩ ở xung quanh với biển cả mênh mông trước mặt chùa và cù lao xa xa, và đặc biệt xung quanh được bao bọc bởi những vách đá và những bãi tắm lý tưởng tạo nên cho khung cảnh chùa Đục một vẻ đẹp trữ tình, thoáng mát, hài hòa bởi vậy khi tới đây du khách sẽ cảm nhận được nét yên bình, được thư giãn và cảm nhận thiên nhiên đẹp bình yên, tĩnh lặng và thiêng liêng.
* DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA QUỐC GIA CHÙA HANG Ở ĐẢO LÝ SƠN
Nằm tại xã An Hải, đảo Lý Sơn, tỉnh Quàng Ngãi, di tích lịch sử văn hóa quốc gia chùa Hang ở đảo Lý Sơn là một trong những điểm du lịch không thể bỏ qua khi du khách đặt chân lên hòn đảo xinh đẹp Lý Sơn.
Được thành lập vào thời vua Lê Kính Tông với tên chữ là Thiên Khổng Thạch Tự, nghĩa là Chùa đá trời sinh, tọa lạc tại lưng chừng ngọn núi Thới Lới, là ngọn núi lửa đã ngủ quên cả ngàn năm trên đảo, nằm sâu trong lòng khối nham thạch khổng lồ hình dáng ở thế đang phun trào tạo nên vẻ đẹp uy nghiêm, hùng vĩ cho ngôi chùa Hang đảo Lý Sơn.
Là một trong những điểm du lịch nổi tiếng đảo Lý Sơn, chùa hang có chiều rộng bên trong gần 500m2, cao 3,2m và tại chùa được thiết kế xây dựng chi tiết từ ngoài vào trong.
Trước chùa Hang, du khách khi tới đây sẽ thấy bức họa Thiện tài đồng tử và bức tượng Quan Thế Âm bồ tát có hướng nhìn ra Biển Đông. Và khi bước chân từng bước vào bên trong hang đá, giữa thoang thoảng mùi trầm hương, tỏ mờ ngọn nến rọi vào khoảng sáng tối lung linh, du khách sẽ nhìn thấy bệ thờ Tam Thế Phật, Di Đà Tam Tôn và Hoa Nghiêm Tam Thánh ở chính điện và phía bên tả (theo hướng nhìn từ bên ngoài) là bàn thờ Địa Tạng Vương bồ tát, Đạt Ma tổ sư, bên hữu là Quán Thế Âm bồ tát và Thập Điện Diêm vương.
Xung quanh chùa Hang là những vách đá tự nhiên và tất cả tạo nên một thế giới, một không gian huyển ảo, lung linh, thuần khiết và yên tĩnh đến lạ kỳ. Điểm du lịch đảo Lý Sơn- Chùa Hang là quần thể làm say đắm lòng người bởi vẻ đẹp cuốn hút với những bức tượng phật bên trong chùa.
Hơn thức, cảnh chùa Hang ở đảo Lý Sơn mang không gian yên bình, tính lặng tạo sự u tịch là nơi mà con người có thể cảm nhận sự thư giãn, được hoài niệm về những giá trị văn hóa thiêng liêng, đầy cảm xúc để tĩnh lặng gạt bỏ lại cái ồn ào, nhộn nhịp của cuộc sống chính vì vậy khi tới điểm du lịch tâm linh ở đảo Lý Sơn này, du khách sẽ được trải nghiệm khám phá và chiêm ngưỡng những điều tuyệt vời nhất, vẻ đẹp thuần khiết, bình dị và đơn sơ mang đến những điều thư giãn và tâm hồn trở nên nhẹ nhàng hơn với khung cảnh nơi đây. Hãy đến với du lịch đảo Lý Sơn và khám phá những điều lý tưởng đầy ý nghĩa nơi đây cùng gia đình,bạn bè chắc chắn chùa Hang là điểm du lịch không nên bỏ lỡ khi du lịch đảo Lý Sơn.
KHO SỬ QUÝ VỀ HẢI ĐỘI HOÀNG SA, TRƯỜNG SA
Đảo Lý Sơn không chỉ nổi tiếng với các đặc sản từ nông-ngư nghiệp mà còn là một bảo tàng sống động đến ngạc nhiên về kho tàng truyền thuyết, dân ca, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vào tháng Hai và tháng ba Âm lịch, các tín ngưỡng dân gian theo mùa…
Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ nhiều tài liệu quan trọng chứng minh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam từ bao đời nay.
Những hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý giá ấy lần lượt được ngành văn hóa-thể thao và du lịch tỉnh Quảng Ngãi cùng các nhà nghiên cứu khoa học sưu tầm và “trình làng” tại Nhà bảo tàng hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa – một trong những địa chỉ hấp dẫn với khách trong cả nước mỗi lần đến với huyện đảo giữa trùng khơi này.
Những người đầu tiên dựng bia chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa
Bước vào khuôn viên Nhà trưng bày bảo tàng, hình ảnh đầu tiên khiến bất cứ ai cũng phải chú ý là cụm tượng đài hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa làm bằng chất liệu đá xanh lấy từ tỉnh Ninh Bình, trông sừng sững, uy nghiêm, vĩnh cửu, bất chấp nắng mưa bão tố.
Cụm tượng đài khắc họa hình ảnh vị chỉ huy cùng các binh phu vạm vỡ, cao từ 4-4,5m, mắt đăm đắm nhìn ra biển khơi và đang trong tư thế hiên ngang lên đường thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc.
Người xem đặc biệt ấn tượng với chân dung vị cai đội trưởng một tay cầm giáo, một tay đặt trên cột mốc chủ quyền có dòng chữ “Vạn lý Hoàng Sa.”
Bên cạnh vị chỉ huy là hình ảnh các binh phu mang theo bên mình các phương tiện khai thác sản vật quý hiếm để mang về dâng nộp cho triều đình. Sau lưng tượng đài khắc dòng chữ “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu” tạm dịch: Quần đảo Hoàng Sa là nơi cực kỳ hiểm yếu nơi biên giới lãnh hải quốc gia.
Toàn bộ khối tượng đài nặng hơn 40 tấn được đặt trên khối bệ bằng bêtông cốt thép, bên ngoài ốp đá granit. Chính sử ghi rằng năm Minh Mạng thứ 14 (1833), Nhà vua ra lệnh cho Bộ Công chuẩn bị lo việc phái binh phu đi quần đảo Hoàng Sa để tuần phòng, dựng bia cắm mốc chủ quyền.
Sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên Đệ Nhị Kỷ, chép rằng từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tấu vua hằng năm cho cử người ra Hoàng Sa cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền và đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ. Vua Minh Mạng phê chuẩn trong bản tấu của Bộ Công ngày 12/2/1836 rằng “Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4,5 thước, rộng năm tấc, dày một tấc làm cột mốc.”
Cụm tượng đài này là hóa thân của các vị chỉ huy nổi tiếng một thời như Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết, Chánh Thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên, Chánh Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật, Chánh Thủy quân suất đội Phạm Văn Biện… đã được sử sách lưu danh cùng hàng vạn binh phu trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa.
Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, năm 1776 có chép về hoạt động của đội Hoàng Sa: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng Hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng (đến tháng Tám về), đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm, đến đảo ấy.
Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu như gươm, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và hạng định xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rỗi lĩnh bằng trở về.”
Trong quá trình hoạt động của mình, đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao mà còn hun đúc nên nhiều thế hệ lính Hoàng Sa can trường và dũng cảm đã có công trong việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ quần đảo Hoàng Sa vào năm 1815, nhất là đã dựng bia chủ quyền đầu tiên của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa vào năm 1838.
Đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa chính là những người đầu tiên xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục trong nhiều thế kỷ, bắt đầu từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 cho đến những năm 50 của thế kỷ 19 và đến nay vẫn còn lưu danh thơm trong sử sách và đọng lại trong trí nhớ dân gian.
Với những kỳ tích đó, các vua nhà Nguyễn đã ban sắc truy phong cho những Cai đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là “Thượng đẳng thần” và cho những người lính Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là những “Hùng binh Hoàng Sa.”
Bảo tàng giữa biển
Nhà trưng bày bảo tàng hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa rộng gần 400m2, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch bát tràng. Nơi đây trưng bày hơn 100 tư liệu, hình ảnh quý và nhiều hiện vật sinh hoạt liên quan đến đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa.
Bà Lê Thị Chung, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi cho biết toàn bộ hình ảnh, tư liệu trưng bày được được chia làm ba nội dung chính: Lý Sơn-Tịnh Kỳ-Quảng Ngãi quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa; hoạt động của đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa và sự tôn vinh của nhân dân huyện đảo Lý Sơn nói riêng, nhân dân cả nước nói chung đối với những hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa; và nhân dân Việt Nam thực hiện chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
Bước vào nhà trưng bày, một không gian rộng rãi, thoáng đãng với những hình ảnh chấm phá về đời sống văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của làng An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ; làng An Hải, xã Bình Châu là quê hương của lớp cư dân đầu tiên trong đất liền ra khai phá đảo Lý Sơn làm nên làng quê mới là phường An Vĩnh phụ thuộc làng An Vĩnh và phường An Hải phụ thuộc làng An Hải trong đất liền vào đầu thế kỷ 17. Đây chính là quê hương đã sản sinh nên những người lính Hoàng Sa.
Ở nội dung Lý Sơn-Tịnh Kỳ-Quảng Ngãi quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa trưng bày những hình ảnh tiêu biểu của huyện đảo Lý Sơn quê hương của đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa – nơi giàu truyền thống văn hóa, nơi có mạch nguồn văn hóa phát triển liên tục từ văn hóa Sa Huỳnh cho đến văn hóa Chămpa rồi kế đến là văn hóa Việt được hình thành từ đầu thế kỷ 17 với những nét đặc trưng về di tích, di vật, hiện vật của ba tầng văn hóa kế tiếp nhau.
Phần trưng bày về hoạt động của đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa và sự tôn vinh của nhân dân huyện đảo Lý Sơn nói riêng, nhân dân cả nước nói chung đối với những hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là nội dung cơ bản và gây ấn tượng nhất của toàn bộ nhà trưng bày.
Ở khu vực trưng bày này, có một khoảng không gian thoáng đãng để thể hiện đặc trưng của đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Đó là các phương tiện thuyền buồm dùng để đi biển cùng những đồ vật sinh họat, những vật dụng phục vụ cho việc đi biển, nhất là những vật “tùy thân” hết sức sức đặc biệt như chiếu, đòn tre, dây mây, thẻ tre dùng để bó xác khi chẳng may ai đó trong đội thiệt mạng sẽ được đồng đội bó xác thả xuống lòng biển để mong thân xác người xấu số được làn nước biển đưa về quê hương bản quán.
Bên cạnh cảnh đặc trưng về hoạt động của đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, phần trưng bày này còn có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa trưng bày ảnh tư liệu về một số hòn đảo mang tên những Cai đội Hoàng Sa nổi tiếng như đảo Phạm Quang Ảnh, đảo Phạm Hữu Nhật… và những tư liệu cổ sử, tư liện Hán Nôm, các tài liêu nghiên cứu khoa học, bản trích, sa bàn…
Sự chú ý trong việc sắp xếp trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật ở khu trưng bày này đã góp phần làm rõ vai trò, nhiệm vụ, tầm vóc và ý nghĩa lịch sử chính trị của đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tâm sự: Nhà trưng bày đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy tác dụng những di sản văn hóa liên quan đến hoạt động của đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa, đạo lý uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân đối với dân với nước.
Đồng thời, Nhà bảo tàng còn góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau trong việc tiếp nối cha ông giữ vững chủ quyền biển đảo – một bộ phận lãnh thổ rộng lớn và quan trọng, giàu tài nguyên của Tổ quốc và đặc biệt là đối với quần đảo Trường Sa cũng như tiếp tục đấu tranh khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
Bằng nguồn tư liệu, hiện vật xác thực và khoa học, phần trưng bày về nhân dân Việt Nam thực hiện chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, còn góp phần minh chứng và khẳng định một sự thật lịch sử quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vốn từ lâu là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.
Theo TTXVN
Đình làng An Hải (Hải Yến, Bình Yến, Lý Hải) tọa lạc tại thôn Đông, xã An Hải huyện Lý Sơn, cách trung tâm huyện đảo chừng 3 cây số.
Theo lời kể của các bậc cao niên, đình làng được xây dựng lần đầu vào năm Gia Long thứ 14 (Ất Hợi – 1815) bằng nguyên liệu tre, tranh, gỗ tại địa phương và được dân làng gọi là “Sở Tam phủ”. Sở Tam phủ thờ Thiên Địa, Thánh Thần, Tam Hoàng, Ngũ Đế, 7 vị Tiền hiền, và 24 vị Hậu hiền làng An Hải.
Đình làng An Hải
Năm Minh mạng nguyên niên (Canh Thìn – 1820), đình An Hải được xây dựng quy mô, bề thế, gồm cả tiền đường và chính điện theo kiểu kiến trúc hình chữ nhị (二) khá quen thuộc của các đình làng miền Trung lúc bấy giờ. Một thời gian sau đó, dọc theo bờ biển, bên tả và bên hữu đình làng, nhiều công trình thờ tự khác dần dần được dựng lên: Chùa Bà, chùa Ông, Nghĩa tự (Âm Linh tự), miếu Thành Hoàng, đền thờ Tiên công, miếu Quỷ, lăng thờ Cá Ông…
Từ năm 1820 đến nay, đình làng An Hải trải qua nhiều đợt tu bổ và xây thêm công trình, vào các năm 1926 (tu bổ), 1938 (xây mới hậu tẩm), 1943 (xây mới chính điện và tiền đường), 1999 (đại tu chính điện và tiền đường), 2007 (đại tu hậu tẩm). Về cơ bản, kiến trúc hiện nay của đình An Hải định hình trong lần trùng tu năm Bảo Đại thứ 18 (Nhâm Thân – 1943), song trong những lần sửa chữa, trùng tu về sau, một số chi tiết kiến trúc đã có sự thay đổi, hoặc mất hẳn.
Nhà thờ tiền hiền làng An Hải
Đình làng quay mặt ra biển, theo hướng đông nam, sau lưng là ngọn núi Thới Lới, kết cấu hình chữ tam (三 ) gồm tiền đường, chính điện và hậu tẩm (đình hạ, đình trung và đình thượng) bố trí trên trục đông nam – tây bắc. Phía trước đình có 2 trụ biểu, cao quá đầu người, trên đỉnh mỗi trụ đặt 1 con nghê, ánh mắt nhìn ra khơi xa. Bình phong đắp nổi hình con nghê (mặt ngoài) và long mã (mặt trong), họa tiết đơn giản nhưng đường nét tạo hình mạnh mẽ, sinh động.
Từ trụ biểu, bình phong đi qua khoảng sân rộng thì đến tiền đường. Đây là ngôi nhà có diện tích chừng hơn 100m2, chia làm 3 gian 2 chái, mái sau liền kề với mái nhà chính điện ở phía trong. Tiền đường có lối kiến trúc kiểu xuyên trính, đài lương (còn gọi là nhà đâm trính , nhà chày cối, nhà rường …). Nền nhà có chiều rộng 23 thước ta, chiều dài 32 thước, cao 1 thước so với mặt đất.
Bộ phận chịu lực chủ yếu gồm 18 cột (8 cột cái và 10 cột con) cùng các liên kết xuyên trính. Tám cột cái (bát trụ) làm điểm tựa chủ lực ghép nối với hệ thống kèo thành 4 bộ vì. Các cột hàng nhất, hàng nhì và cột hàng ba trong cùng một vì nối với nhau ở đầu cột bằng thanh kèo cái đặt nằm nghiêng theo chiều dốc của mái.
Kèo cái gồm nhiều thanh liên kết nhau từ cột cái ra cột nhì, cột ba, theo kiểu kèo chồng, để đuôi kèo dưới đặt lên đầu kèo trên, gọi là kèo đoạn (kèo vỏ đậu). Hai bên mặt kèo có kẽ rãnh chỉ theo các cạnh, đầu kèo đưa ra ngoài chạm hình hoa lá. Ở cột cái đầu hồi, giữa lưng chừng là chỗ liên kết kèo nóc và kèo quyết (kèo xó) dùng để đỡ hai mái thấp xoè ra hai bên của chái nhà. Kỹ thuật xẻ rãnh cho phép xuyên thanh kèo qua đầu cột, cố định bằng các ngàm (miệng cột), lèn chặt bằng các xà gồ phía trên.
Trính và xuyên tạo thành hệ thống liên kết khung nhà theo hai chiều ngang dọc, sử dụng kỹ thuật đâm mộng qua đầu cột có khóa chốt. Phía trên thanh trính, tại trung điểm có một khuôn gỗ làm đòn kê gọi là “cối” (đầu kê). Dựng trên miệng cối là “trổng” (trụ) có hình dáng chày giã gạo. Đầu trên trổng kết nối với đỉnh bằng thanh gỗ dang ngang gọi là “ấp quả”. Tất cả bộ phận cối, trổng và ấp quả như một người ngồi xếp bằng trên bệ (cối) đưa hai tay đỡ hai chiếc kèo trên cùng (kèo mái).
Vách trước nhà tiền đường là 3 gian cửa bàn khoa “thượng song, hạ bản” gồm một gian chính và 2 gian phụ, ngạch cửa tương đối cao, khiến người ra vào phải dừng lại trước khi nhấc chân bước qua. Trước đây, mỗi gian cửa có một đôi “mắt cửa” trang trí hình hoa cúc. Hiện nay, các gian cửa bàn khoa đã bị hư hỏng và được thay bằng 3 gian cửa ghép đai bản cổ điển và không có mắt cửa.
Hiên nhà tiền đường có 6 hàng cột đối xứng xây bằng gạch. Bốn cột trong hình trụ tròn, hai cột chái hiên hình trụ vuông. Hai cột giữa đắp rồng cuốn; hai cột đối xứng tiếp theo đắp nổi hai câu đối chữ Hán. Dưới chân hai cột đầu chái có đôi con nghê đắp bằng tam hợp chất, lỏi gạch, ngoài ghép mảnh sứ , quay đầu vào nhau, tai vểnh, mắt lồi, lông bờm dựng đứng.
Nhà tiền đường lợp ngói âm dương, bờ nóc trang trí “lưỡng long hồi đầu”, trung điểm là mặt trời – cầu lửa, đầu hồi đắp nổi long phù. Bờ quyết trang trí “hạ long, thượng phụng”, đầu bờ quyết trang trí “lý ngư hóa long”.
Bên trong tiền đường đặt bàn thờ cô hồn, kiệu rước thần chủ, chiêng, trống, hương án. Trong những dịp tế lễ, tiền đường là nơi những người hành lễ chỉnh đốn y phục, chuẩn bị lễ vật trước khi dâng cúng ở chính điện.
Chính điện tiếp sau tiền đường, nối với tiền đường bằng hệ thống máng đưa nước mưa từ mái sau tiền đường và mái trước chánh điện đổ sang 2 bên. Tiền đường là ngôi nhà lợp ngói âm dương, một gian hai chái, tường gạch trát tam hợp chất. Hai đầu vách chừa hai cửa vòm vừa để ra vào vừa có chức năng đưa ánh sáng từ bên ngoài vào nội thất và thông khí.
Bộ khung ngôi nhà chánh điện có 16 cột, chia thành 4 hàng, mỗi hàng 4 cột; 2 hàng giữa là khung đỡ kèo, 2 hàng bên là cột hiên. Các bộ vì chịu lực chia không gian ngôi nhà thành một gian, hai chái. Trính vừa liên kết các hàng cột theo chiều ngang, vừa đỡ hệ thống kè thông qua các trụ “chày cối”, đầu choãi cánh dơi. Trang trí đỉnh bờ mái chánh điện không khác mấy so với tiền đường với các mô típ: song long hồi đầu, phụng vũ, long giáng, lý ngư…
Miếu Thành hoàng
Nội thất chính điện thiết đặt bàn thờ Tam hoàng Ngũ đế, Ngũ vị tiên nương, Chúa Ngung man nương, tiền hiền, hậu hiền.
Hậu tẩm nằm ở phía trong cùng của ngôi đình. Đây là gian nhà được xây bằng tam hợp chất, hai bên vách hông có trổ cửa nhỏ để ra vào. Mái hậu tẩm cắt chồng cổ diêm, tạo không gian thông thoáng, nuôi dưỡng luồng sinh khí chạy dọc nội thất ngôi đình, từ tiền đường vào chính điện đến hậm tẩm. Bốn mặt cổ diêm đắp nổi trang trí hoa lá, chim muông. Nóc hậu tẩm trang trí lưỡng long cuộn hồ lô, bốn góc mái trang trí đắp nổi “thượng phụng, hạ long”.
Hậu tẩm thiết đặt bàn thờ Thiên Y A Na.
Nghĩa tự
Đình làng An Hải là trung tâm của hệ thống dinh, đình, miếu, tự chạy dọc bờ biển vùng cực đông đảo Lý Sơn. Phía nam đình làng là Nghĩa tự (Âm linh tự), nơi thờ phụng các vong linh oan hồn, cô hồn. Đã thành tập tục, trước mỗi chuyến đi biển, ngư dân làng An Hải sắm sanh đèn hương, hoa quả đến đây để xin thánh thần, người khuất mặt phù trợ cho chuyến ra khơi an toàn. Đến khi trở về lại mang phẩm vật đến làm lễ tạ (hoàn nguyện) kính cẩn, chân thành. Tiếp giáp đình làng về phía bắc lần lượt là nhà thờ Tiền hiền, miếu Thành hoàng, đền thờ Tiên công…
Đình làng An Hải là trung tâm sinh hoạt tâm linh của cộng đồng cư dân làng An Hải ngày trước, xã An Hải ngày nay. Theo định lệ cổ truyền, hàng năm tại đình làng diễn ra nhiều sinh hoạt lễ hội như: Lễ trồng đu, lên phướn (24 tháng chạp âm lịch), lễ rước thần đầu năm (mùng 1 tết), lễ rằm Thượng Nguyên (14/1), lễ Động thổ (mùng 3 tết), lễ Cầu an (tế xuân – tháng 2), giỗ Tiền hiền (20/2), lễ tết Đoan dương (2/5), lễ rằm Trung nguyên (14/7), lễ tạ Kỳ yên (tế Thu; tháng 8), lễ rằm Hạ nguyên (14/10), lễ tế Thanh minh và tế lính Hoàng Sa (rằm tháng 3)…
Cùng với tế lễ là sinh hoạt hội hè, thu hút đông đảo dân làng và khách thập phương: Hội đua thuyền chơi xuân (Cạnh độ du xuân, mùng 4 đến mùng 7 âm lịch), hội đô vật (mùng 3, mùng 5 và mùng 7), hội chơi đu (mùng 1 đến rằm tháng giêng), hội cướp bòng (mùng 7 tết)…
Đình làng An Hải là ngôi đình duy nhất còn tương đối nguyên vẹn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Di tích đình làng An Hải được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, tại Quyết định số 985 – QĐ/VH ngày 7/5/1997.
Lý Sơn- Sơn Tịnh, tháng 5 – 7/1012
Lê Hồng Khánh